CƠ CẤU THỂ TÌNH CẢM

CƠ  CấU  THể  TÌNH  CảM

 

Nhiều chuyện đã được  viết về hào quang và cõi tình cảm, nên tôi muốn nhấn mạnh rằng phần mô tà và chi tiết dưới đây, là kết quả của kinh nghiệm và sự khảo sát của riêng tôi, mà không lấy từ nguồn tài liệu nào. Vì vậy chúng có thể có vài điểm dị biệt so với sách khác. Việc không có nghĩa là người này đúng và người kia sai, mà vì trong mọi quan sát, phần lớn cái thấy và mô tả lại tùy thuộc vào chủ tâm riêng và khả năng của người quan sát.
Ngay cả về mặt vật chất, không có dụng cụ quan sát nào là tuyệt hảo, và khi vấn đề là nhìn vào cái mờ ảo, luôn biến đổi như tình cảm, hiển nhiên là một số nét chính sẽ nổi bật tùy theo mức độ chú ý của ta về chúng. Phần tôi, tôi luôn luôn quan tâm đến mối liên hệ, giữa tình cảm và trí tuệ với tình trạng chung của đối tượng quan sát, nên tôi liên kết cái thấy được với câu hỏi này.
Hào quang tình cảm thường được gọi là thể tình cảm. Tôi không thích chữ này cho lắm dù nó có lý do đúng đắn để gọi vậy. Đầu tiên, hào quang là vật chất, bao quanh người, vì thế nó giống như một thể. Nó thuộc về ta với nghĩa trong kiếp này ta luôn luôn có hào quang, nhưng cơ cấu, mầu sắc và phần bên trong của nó thay đổi mau lẹ ,tới mức hào quang năm nay có thể khác hẳn với năm trước lạ lùng. Và chót hết, vật lấp lánh như ánh sao (astral từ chữ astre: tinh tú).

Kích Thước
Hào quang hình trứng có nhiều mầu chen lộn, bao quanh thể xác, trùm ra bên ngoài một khoảng chừng 30 - 40 cm. Vật chất của hào quang rất co giãn, nên nó có thể nở lớn ra ngoài giới hạn bình thường một cách đáng kể, tùy theo lượng năng lực tình cảm tuôn ra. Bình thường, hào quang ló ra khoảng phân nửa cánh tay, tuy thay đổi đủ mọi cách tùy theo người. Lý do là có người hướng nội nhiều và có người cởi mở, hướng ngoại hơn.
Cố gắng hướng ra ngoài và tiếp xúc với người khác luôn luôn làm hào quang nở rộng. Thí dụ trong trường hợp y tá và bác sĩ, họ chú tâm đến bệnh nhân và có nỗ lực nhắm vào các người này, giáo sư hướng đến học sinh không phải chỉ về lý trí mà thôi, mà với với loại năng lực làm học sinh thích thú và theo dõi; cha mẹ hướng về con cái với tình thương và sự quan tâm.
Trong trường hợp nhạc sĩ, kịch sĩ, giảng viên, chính trị gia v.v. hào quang của họ nở rộng khi trình bầy trước cử tọa, nhưng lúc nào nó cũng lớn hơn trung bình, vì nghề nghiệp của họ khiến những người trên phải liên hệ với nhóm đông người. Tôi cho là nghệ sĩ cố gắng một cách vô thức để tạo thông cảm với mọi người đến xem, ngay cả với ai ngồi tận cuối rạp. Nỗ lực ấy khiến hào quang nở to. Ở khía cạnh thấp hơn, mỗi chúng ta đều hành xử y vậy bất cứ lúc nào ta tìm cách tiếp xúc với người khác, hoặc trình bầy điều gì, kể chuyện vui, hay chỉ giản dị là tỏ tình thân ái. Đặc tính co dãn vì vậy là nét căn bản của hào quang. Tuy vậy, nói chung vẫn có khác biệt lớn lao về kích thước hào quang nơi người, và ta không thể ấn định kích thước tiêu chuẩn.
Hào quang mòng manh ở bìa, hòa lẫn từ từ vào bầu vật chất tình cảm chung quanh, để cho tình cảm tuôn chẩy ra ngoài dễ dàng. Nhưng khi ta ốm, sự đau đớn và lo lắng có khuynh hướng đóng kín con người. Noi người bệnh, bìa hào quang tạo nên một rào nhân tạo, vì một phần năng lực tình cảm tuôn chảy vào trong thay vì được  hướng ra ngoài theo lẽ thường. Nguyên do là bệnh tình khiến họ tiêu tán quá nhiều năng lực, nên con người không còn liên hệ với kẻ khác một cách dễ dàng và tự nhiên.
Một câu hỏi đã đặt ra cho hào quang và khó mà trả lời, là cái gì giữ cho hào quang thành một khối, khiến nó không tan loãng vào bầu vật chất bên ngoài ? Tôi chỉ có thể nói là theo tôi, nó được giữ theo cách như  thể xác trong lúc sống: do sự hiện diện của cái ngã, cái là nguyên lý hay là trung tâm liên kết cho các hệ của thể xác (hệ tuần hoàn, hô hấp v.v.), và những tâm thức cao hơn.
Cái rõ ràng là khi tâm thức rời thể xác lúc chết, thân thể mau lẹ tan rã và hào quang rút về. Cho dù ta không nhìn nhận sự hiện diện hay sự vắng mặt của cái ngã, ta vẫn phải công nhận là một cái yếu tố kết hợp nào đó đã rút lui, và không có nó thì thể xác mất liền lạc, hóa rời rã. Tuy mặt thời gian có khác biệt là thể tình cảm tan biến lâu hơn thể xác, tình trạng cũng tương tự là nó còn tồn tại sau khi chết, chỉ rã từ từ khi cái ngã hay linh hồn rút vào những tâm thức cao.
Người ta cũng hỏi tôi là hào quang có chịu ảnh hưởng của hấp lực hay từ trường của địa cầu chăng. Khó mà trả lời nên tôi chỉ có thể đáp là nếu có thì tôi tin là do nó bị ràng buộc vào thể xác, và thể xác chịu ảnh hưởng các điều trên. Cái rõ ràng là hào quang có định hướng, nó có trên và dưới, có khác biệt giữa bên trong và bên ngoài, trước và sau, nhưng thể xác lại cũng là yếu tố chi phối ở đây. Ngoài ra, tôi tin là nguyên lý cộng hưởng đóng vai quan trọng trong thành phần và tính kết hợp của hào quang, cùng mối liên hệ của nó với trí tuệ và trực giác. Cộng hưởng sinh ra do tần số rung động của tình cảm tương hợp với tình trạng của năng lực ở những cõi khác.
Trong lúc cố mô tả hình dạng của thể tình cảm, cái tương tự duy nhất với nó mà tôi nghĩ được là ánh sáng đậm đặc. Cõi tình cảm trong suốt và không mầu, vì ánh sáng chiếu xuyên qua nó, nhưng tính trong suốt ấy khác với cái ta biết, vì ánh sáng chiếu từ trong ra, thay vì từ ngoài vào, có nghĩa thể tự phát ra ánh sáng. Còn đậm đặc hàm ý ta có thể sờ chạm thể được. Để hiểu rõ hơn, hãy nghĩ đến cầu vồng thấy ở bụi hơi nước của vòi tưới bồn cỏ, hào quang tương tự vậy. Nó đậm đặc vì cho phép ta thấy được nó, và có nhiều mầu như lúc trời bình minh hay hoàng hôn, nhưng có lúc ta cũng thấy được  xuyên qua thể, và đó là cái mô tả khá nhất mà tôi có thể nghĩ ra.

Kiểu Mẫu và Tính Chất
Mặc dầu vậy, một số tình cảm đậm đặc hơn những tình cảm khác, tôi muốn nói là mầu của chúng nặng, tối và thô hơn. Những năng lực tình cảm nào liên hệ chặt chẽ với thể xác, như thèm muốn về vật dục, thì nặng, nhám hơn và rung động chậm hơn. Không rõ có phải vì vậy chăng mà chúng nằm ở phần thấp nhất của hào quang. Năng lực ấy không bền, hay thay đổi, chúng ảnh hưởng tình trạng thể chất như áp huyết, và có thể biến đổi trong thời gian ngắn. Tình cảm tiêu cực như giận hờn, ích kỷ và tham lam cũng có khuynh hướng trôi xuống phần đáy hào quang, tuy chúng có thể phản ảnh ở bên trên.
Một trong những đặc tính nổi bật nhất của hào quang là tính năng động của nó, làm nó thay đổi lẹ làng theo tâm trạng con người. Dầu vậy, hào quang không phải là không có cơ cấu vững chãi. Giống như ai ai cũng có một số hình tướng giống nhau tuy mỗi cá nhân đều khác nhau, hào quang của mọi người có một số điểm chung, dù có thay đổi lớn lao từ người này sang người khác, và một số nét có thể bị mờ vì đau ốm.
Ít có người lúc nào cũng an vui, đa số chúng ta thường có lúc giận dữ, lo lắng, thất vọng, buồn rầu hay nản chí. Trừ phi đó là bệnh, những cảm xúc trên thường chỉ là nhất thời và trôi ra bên ngoài hào quang. Chúng rất thật đối với ta vào lúc đó, nhưng chúng không thay đổi cá tính căn bản của ta, trừ phi chúng xẩy ra tái đi tái lại mãi.
Bản tính thường ngày của ta quan trọng hơn, vì dù là ý thức hay không, ta có một số cảm xúc quen thuộc, lập lại nhiều lần hầu như là mỗi ngày. Việc những tình cảm ấy thường trực có mặt làm ta dễ dàng cảm chúng một cách vô thức, thành ra chúng trở nên thói quen thấy được  trong hào quang, như là cái nền cho những tình cảm phù du hơn, cái hằng thay đổi trong ngày. Cái nền ấy cho ta một ý niệm về bản sắc chính mà con người phát triển trong đời.

Mầu Sắc Hào Quang
Tôi để ý thấy là mỗi chúng ta sinh ra với một số mầu căn bản. Nhiều năm quan sát cho tôi thấy là những mầu ấy chỉ đặc tính cân bản của cá nhân, tiềm tàng nơi họ lúc sinh cho dù họ phát triển chúng hay không về sau trong đời. Vì không một kiếp nào hoàn toàn định sẵn, biến cố sau này sẽ thay đổi sự phát triển ấy, hoàn cảnh có thể khó khăn đến nỗi người ta không thể thực hiện được tiềm năng của mình, và đó là do karma. Nhưng mầu căn bản trong hào quang cho tôi hay, người ấy sẽ có khuynh hướng đối phó ra sao với môi trường tình cảm, và cách nó ảnh hưởng họ.
Mầu sắc là một trong những nét của hào quang, và cũng là dấu hiệu chỉ dẫn về khí chất, tính tình. Thể sáng nhất và rực rỡ nhất là khi ta chú tâm ưa thích, phần khác của thể không sống động bằng. Khi mầu lan ra đến tận bìa hào quang, điều ấy muốn nói những mầu sắc đó được  dùng rộng rãi. Khi chúng ở sát thân người, có mầu khác bao quanh, tình cảm mà chúng tượng trưng bị dồn nén, bất lực trong đời sống thường ngày. Tình trạng có thể do thần kinh, mà nó cũng có thể muốn nói là sinh hoạt biểu lộ qua mầu đó đã xẩy ra trong quá khứ, và năng lực hiện thời không được dùng nhiều bằng. Mầu sắc trong hào quang trẻ con không lan ra đến tận bìa của thể, nhưng đó là vì tình cảm chưa nẩy nở hoàn toàn mà còn đang phát triển. Nói khác đi, khi tình cảm mạnh mẽ, rõ ràng và linh hoạt trong lúc tiếp xúc với người, chúng lan ra tận bìa hào quang và tuôn năng lực ra ngoài dễ dàng.
Do nguyên lý cộng hưởng đã nói, mầu của hào quang không những tượng trưng cho tình cảm, mà còn phản ảnh tính chất của phần tâm thức cao. Chẳng hạn nếu hào quang có nhiều mầu vàng, nó cho biết người ấy có khả năng trí tuệ đáng kể, mà còn hành xử như là cầu thông thương cho năng lực từ cõi trí xuống cõi tình cảm. Như vậy, một số mầu trong hào quang thể hiện tính chất của tâm thức cao, và khi chúng được  tự do tuôn xuống, sẽ củng cố đặc tính căn bản của cá nhân. Khi việc ấy xẩy ra, nó chỉ tình trạng quân bình hay sự hòa hợp giữa tình cảm và những tâm thức cao, không phải chỉ là trí tuệ mà thôi, mà luôn cả trực giác.
Có thể phân hào quang thành hai bán cầu, nửa trên và nửa dưới. Phần trên thể hiện cái tôi đã đề cập là đặc tính bẩm sinh, hay tính căn bản của một người, cái tiềm năng mà họ sẽ lộ ra hoàn toàn hay không về sau trong đời. Nói riêng về một mặt, những mầu này tượng trưng cái một người thật sự là, hay có thể trở thành. Ngược lại, phần dưới hào quang thể hiện vùng kinh nghiệm và hành động, chịu ảnh hưởng của tình cảm thường biểu lộ trong đời sống hằng ngày.

Dải Mầu Lục
Hai phần của hào quang nối lại với nhau bằng một dải mầu lục, kéo dài quanh phần giữa thể xác. Tôi để ý tháy dải là hình quen thuộc chung cho người trưởng thành. Nó bắt đầu xuất hiện ở trẻ con vào lứa tuổi khác nhau, tùy theo mức hội nhập vào sự sống và khả năng tự mình làm việc. Theo ý riêng, tôi nghĩ dải cho biết tình trạng cơ cấu, nhưng tôi cũng xin thú nhận là không hề thấy sách nào khác viết về hào quang đề cập tới nó.
Dải có lúc rộng có lúc hẹp, thay đổi về cả mầu sắc và mức sâu đậm, nó cho thấy khả năng biến tư tưởng, tình cảm, lòng ưa thích sang hành động, hay nói khác đi, thực hiện tiềm năng của mình. Bề rộng và mầu của dải chỉ mức độ mà vào lúc quan sát ta có thể biểu lộ mình trong đời, hoặc về trí tuệ, nghệ thuật hay sinh hoạt thể chất.
Ai cũng có chuyện làm, hay ít nhất có hoạt động nào đó. Kích thước, mầu, và nét đậm nhạt trong dải phản ảnh mức độ ưa thích và khả năng mà ta có đối với việc làm, cùng sự chuyên chú vào việc. Bề rộng và vẻ sáng của dải cho biết khả năng thực sự đạt tới của cá nhân, trong khi sắc của mầu liên hệ đến loại công việc ta làm: mầu vảng cam cho sinh hoạt trí tuệ, xanh dương và xanh lục cho sáng tạo nghệ thuật, lục đậm cho sinh hoạt tay chân v.v.
Thí dụ, người thợ ống nước và nhạc sĩ đều sử dụng tay, do đó cả hai sẽ có dải lục rộng, nhưng tính chất công việc khác nhau sẽ phản ảnh qua sự dị biệt về sắc lục trong hai dải. Với nhạc sĩ dương cầm, nhạc không phải chỉ là kinh nghiệm mỹ thuật hay sự thành đạt trí tuệ, nó còn tượng trưng cho việc tập luyện lâu dài, khép mình vào kỷ luật và cố gắng khó nhọc. Tất cả những điều ấy sẽ lộ ra trong sắc và bề rộng của dải.
Ta còn thấy được trong dải nhiều biểu tượng, hình kỷ hà và cả chân dung người khác. Dù đây là phần hào quang tượng trưng công việc của cá nhân trong đời hay bầu hoạt động, những biểu tượng ấy không nhất thiết phản ảnh cái họ suy nghĩ ngày này sang ngày khác. Có vẻ như chúng tượng trưng cho một điều có căn bản và vững bền hơn trong đời, và hoạt động của ta như thái độ chính yếu và sở thích lâu dài. Đôi khi chúng hàm ý một biến cố hay giai đoạn đã qua hết sức quan trọng, hay có ảnh hưởng to tát. Cũng có khi chúng thể hiện dưới dạng biểu tượng nội dung tiềm thức, cái nằm ẩn sau lối suy tư, và ảnh hưởng hành động của ta. Thường khi chúng hiện diện một lúc lâu, chỉ dần dần thay dổi và biến hóa khi ta biến cải sở thích và thái độ căn bản của mình.

Bán Câu Trên và Dưởi của Hào Quang
Dải mầu lục có thể gọi là xích đạo của hào quang, nối liền và phân biệt phần hào quang có gốc rễ sâu xa và vững bền ở trên, với phần ở dưới liên hệ nhiều hơn với đời sống thường ngày và với thời gian, Nói tổng quát thì phần trên ít thay đổi hơn phần dưới, nhưng nó có thể thay đổi, và có thay đổi trong đời người. Khi tiềm năng được phát triển, mầu hóa đậm và trở nên sáng hơn; khi không được  phát triển, chúng mờ đi, lu dần. Nếu ta thay đổi hoàn toàn định hướng của mình, như từ bỏ tôn giáo vẫn theo, mầu có liên hệ với lòng sùng đạo sẽ phai mất, và những mầu khác thế chỗ.
Ta có nói phần dưới hào quang phản ảnh tính chất và tình cảm đang có lúc này nơi người. Nhưng nó cũng là kết quả của kinh nghiệm trước kia, tức những biến cố đã qua trong đời mà vẫn tiếp tục chi phối ta dù hữu thức dù vô thức. Mầu thầy ở khúc giữa phần này, tức khoảng từ lưng xuống đầu gối, tượng trưng tình cảm thường có, nhưng sâu bên dưới hào quang, kéo dài qua khỏi chân là di tích kinh nghiệm trong quá khứ.

Mẫu Tình Cảm
Cảm xúc đột ngột mạnh mẽ như sợ hãi hay giận dữ, có thể tạm thời tràn ngập hào quang từ đầu tới chân, nhưng chúng thường tan đi mà không thay đổi vị trí chung của tình cảm trong thể. Nhưng khi ta chìm đắm lâu trong sự lo buồn hay u uất, nó có thể che khuất tình cảm thông thường trong một khoảng thời gian dài, với kết quả là năng lực tình cảm của người bị kiệt quệ và thành chai đá..
Theo kinh nghiệm riêng, tôi thấy là đa số chúng ta không ý thức mình bị chi phối nhiều tới mức nào, bới cái ta thường nghĩ hay cảm xúc. Ta thường tin là chỉ có sinh hoạt thể chất mới cho hậu quả. Nó dúng về một mặt, còn về mặt khác, tư tưởng và tình cảm là hành động và cũng sinh ra hậu quả về mặt tính tình. Khi tôi nhìn vào hào quang một người, tôi thấy rõ ràng kết quả của những phản ứng nội tâm ấy. Nó hàm ý rằng từ lúc này sang lúc kia, chúng ta là cái chúng ta kinh nghiệm, và là cái cách chúng ta đáp ứng với kinh nghiệm ấy. Nhìn chính mình theo phương thức đó khác biệt hẳn với thái độ khẳng định, cho rằng cá tính là kết quả của sự phối hợp giữa yếu tố di truyền và điều kiện cách. Cái nó muốn nói là chúng ta có thể và thay đổi được mình, khi ta biến cải phản ứng thông thường với hoàn cảnh sống.
Bản thân chúng ta bị ảnh hưởng và thay đổi bới cái ta nghĩ và cảm xúc, và rồi tư tưởng và cảm xúc đáp ứng với kinh nghiệm của ta. Câu nói ‘Tôi suy tư, nên tôi hiện hữu’ có phần nào sự thực, dù không nằm trong nghĩa ban đầu. Không phải là sự hiện hữu của ta tùy thuộc vào sự suy tư của ta, nhưng là tư tưởng thường có trong ta dần dần tạo nên, và đúc khuôn tính chất con người mình. Mà không phải chỉ có vậy, vì ta có thể làm chủ cái diễn trình nếu muốn. Tôi hiện hữu, vì vậy tôi suy tư và cảm xúc, và cái tôi suy tư và cảm xúc cho thấy con người của tôi, nói như vậy có lẽ sát hơn, vì hành động hỗ tương nhau.

Bạo Hành
Người ta càng lúc càng nhìn nhận, là xem những cảnh hung bạo trên phim ảnh và truyền hình cho ra hậu quả tai hại. Dù vậy, ta không ý thức trọn vẹn tầm mức của ảnh hưởng gớm ghê này. Trẻ con đặc biệt dễ bị lây nhất. Khi ta thường xuyên chứng kiến những cảnh ấy, nó sinh ra nơi ta thái độ mặc nhiên thừa nhận, và hóa dễ dãi đối với sự bạo hành. Từ đó ta dễ ngã theo khuynh hướng bạo hành thường tiềm ẩn trong đa số người. Khi gặp cảnh rối loạn, ta không đủ sức cưỡng lại khuynh hướng ấy.
Đó là lý do tại sao thực tập quán tưởng, tham thiền cho ra lợi ích lâu dài. Khi ta tạo nên một thói quen trong người, thường xuyên sinh ra tình cảm bình an, thương yêu, hòa đồng, chúng thường trụ trong ta rồi cuối cùng quản chế phản ứng của ta với thế giới bên ngoài, và với người chung quanh.

Cơ Quan Trao Đổi Năng Lực Tình Cảm
Tình cảm có ảnh hưởng rất mạnh trên chúng ta, ngay cả khi ta không ý thức nó. Người ta thường nghĩ là mình hoàn toàn bình tĩnh, trong khi thực ra họ ở trong tình trạng xáo động bị đè nén. Ta biết ta sống trong thế giới vật chất tác động mỗi phút giây lên con người, tung vào đó nào là hình ảnh, mùi vị, âm thanh cũng như nhiều lực vô hình trong bầu không khí. Cũng y vậy, ở cõi tình cảm ta cũng tương tác không chút nào ngơi chẳng những đối với tình cảm nói chung, mà cả với thể tình cảm của ai ta tiếp xúc.
Về nhiều mặt, sự tương tác ấy có thể làm ta hao kiệt năng lực, gây rối lòng, thần kinh bải hoải, hay mất thăng bằng nếu ta không vững. Nhưng giống như có hệ miễn dịch giúp cơ thể chống sự xâm lần từ bên ngoài, ta cũng có cơ chế đẩy lui ở cõi tình cảm, tống xuất những cảm xúc bất lợi hay tiêu cực. Cơ chế đẩy lui là nét chung cho tất cả mọi người, vì vậy ta có thể xem nó như là một thành phần của thể.
Tôi quan sát thấy có một số xoáy hình chóp nón nhỏ xếp cân đối dọc theo bìa hào quang. Theo tôi biết, chưa có sách nào viết về chúng, nhưng tôi thấy đó là cơ chế trao đổi năng lực giữa cá nhân và môi trường tình cảm nói chung. Trong nhiều năm tôi không\nghĩ ra được tên thích hợp để gọi chúng, nên đành dùng chữ van valve để chỉ cơ quan có phần việc mang năng lực từ bên ngoài vào hào quang, rồi tống xuất nó trở ra. Nói cách khác, chúng tương tự như cơ quan hô hấp, thở ra hít vào nhịp nhàng năng lực tình cảm, làm chủ tiến trình hấp thu và loại bỏ.
Nơi người mạnh khỏe, sự trao đổi này là diễn trình tự động, giữ cho năng lực tình cảm luân chuyển và bổ sung, khi nó tạm thời thiếu hụt do mệt mỏi. Nhưng diễn trình còn một điểm tinh tế khác. Cái biển năng lực tình cảm bao quanh ta mọi phút giây chứa đựng nhiều yếu tố bất hòa, tiêu cực và cả bạo hành. Ta đã nói qua về nguyên tắc cộng hưởng, cái quản trị phần lớn sự tương tác xẩy ra giữa các cõi. Trong trường hợp các thể, ta cộng hưởng với những tính chất nào của môi trường bên ngoài, tương hợp với bản chất tình cảm của ta. Thế nên người vui vẻ, tươi cười sẽ tự động loại bỏ những tình cảm tiêu cực, như u uất và bồn chôn.
Nguyên tắc loại bỏ ấy là cơ năng của van năng lực tình cảm, nó ngăn không cho ta vô tình bị chế nghự bởi tình cảm của người khác, ngay cả khi ta mệt hay đau ốm. Van thực ra là cơ chế bào vệ, tự động làm việc để giữ gìn sự thăng bằng tình cảm. Tuy vậy khi ta yếu người do bệnh tật, các van nở rộng hơn bình thường để mang vào nhiều năng lực hơn, làm vậy khiến chúng bị mất kiểm soát phần nào. Khi chuyện xẩy ra, diễn trình tống xuất bị hư hại đôi chút, và kết quả là ta dễ bị tình cảm người khác chi phối, khả năng đẩy lui tình cảm tiêu cực bị giảm bớt. Bệnh tật vì vậy làm ta mẫn cảm hơn, hóa xúc động dễ dàng, và khó cưỡng lại sự xâm lấn của tình cảm tiêu cực như u uất, âu lo. Rồi chúng lại chi phối khả năng hấp thu sinh lực prana của ta, và việc sinh hoạt ở cõi ether. Đây là một trong những lý do tại sao người ốm nằm bệnh viện, không nên tiếp nhiều khách đến thăm.

 

Sẹo Tình Cảm
Đa số chúng ta trải qua vài kinh nghiệm khó khăn trong đời, nhưng thường thì ta quên được chúng sau một khoảng thời gian, và hồi ức của việc chỉ còn lại rất ít. Nhưng với kinh nghiệm thật đau lòng, nó có thể để lại một ấn tượng tai hại lớn lao, cái có thể trở về khi ta gặp hoàn cảnh tương tự. Trong những trường hợp như vậy, làm như ta không thể thoát khỏi ảnh hưởng của kinh nghiệm, vì mọi chuyện dường như đồng tình gợi ta nhớ lại. Và ta lún sâu từ từ vào phản ứng tình cảm được lập lại.
Việc sống trở lại tới lui này tạo nên cái tôi gọi là sẹo tình cảm, đó là những xoáy năng lực đậm đặc thấy trong hào quang, là dấu vềt lưu lại về những dằng co tuy ta không cố ý nghĩ tới chúng. Vị trí của sẹo trong hào quang cho biết mức độ của kinh nghiệm hiện thời, càng ở gần dải mầu lục thì nó càng sinh động. Chẳng hạn, nếu ta phải quyết định chuyện mà nhiều người chống đối để làm ta nản lòng, nó gây ra sự lôi kéo dằng dai, vì không có giải quyết gọn ghẽ cho vấn đề. Bởi thế nó cho ra tì vết trong vùng ngay bên dưới dải mầu lục.
Kinh nghiệm dù đã xa xưa có thể vẫn tiếp tục cho ra ảnh hưởng đáng kể lên con người, vì kết quả của nó còn ở với chúng ta nhiều hơn là ta tưởng. Ký ức mà vẫn gây được vui hay buồn cho ta là còn linh hoạt trong lòng. Hơn nữa, ta ít khi nhận biết cách mà một số tình cảm và phản ứng nổi lên trong tâm nhiều bận. Nếu không vui vì chuyện gì, con người có khuynh hướng triền miên suy nghĩ về nó, làm vậy là kéo dài sự chú ý của ta vào chuyện. Được trợ lực do cảm xúc tái đi tái lại mãi, hồi ức có khuynh hướng biến thành biểu tượng hay sẹo giống như xoáy hay hình vỏ sò, vì những vật này có khuynh hướng quay vào trong chính chúng. Biểu tượng thường hiện ra thật vững, cứng, vì được  nuôi dưỡng bằng năng lực tình cảm sinh ra khi con người chìm đắm vào chuyện đã qua.
Hình loại này là dấu tích cả về cảm xúc trong quá khứ và về cái ta vẫn còn cảm biết hiện thời, và nó thường tượng trưng cho kinh nghiệm đã gợi nên tình cảm thật mạnh mẽ. Tuy nhiên khi cuối cùng tìm được giải quyết cho bế tắc, hay phục hồi sau chấn động tâm tình, ta không thấy cần phải miệt mài suy nghĩ về nó nữa, ta đã thoát khỏi kỷ niệm.
Lúc xẩy ra như vậy, vết sẹo tượng trưng cho sự dằng co bắt đầu tan rã, và năng lực chứa trong đó dần dần đi ra khỏi hào quang. Nhưng nếu ta lập đi lập lại cảm xúc như giận hơn, sợ hãi ngày này sang ngày kia, hành động ấy không những tạo nên sẹo mà còn là vật ức chế trong hào quang.
Chuyện cũng có thể là ta có một kinh nghiệm đẹp đẽ tuyệt vời đã lâu lắm rồi, ký ức về nó không còn sống động, nhưng nó vẫn còn lưu lại như hương thơm vương vấn. Cho dù hồi ức loại đó có thể là nguồn vui và hạnh phúc, nó cũng được tượng trưng như là vết sẹo mà nằm ở phần trên của hào quang. Trong trường hợp đó nó có thể hữu ích và gợi hứng cho ta, nhất là khi ta hiểu được ý nghĩa của chuyện.
Tì vết tâm tình không nhất thiết phải có ảnh hưởng bất lợi lâu dài. Nếu đã ý thức được  chuyện mình bận tâm lâu nay, ta thật sự thấy đã hiểu nguyên do và sau cùng đã trưởng thành khỏi chuyện, thì kinh nghiệm như vậy rất tốt lành. Ấy là tại sao các tôn giáo đều nhấn mạnh việc tha thứ, và lời khuyên đó có giá trị chữa bệnh rất cao. Khi ta có thể nói, tôi đã học được  chuyện, và dù tôi không sao thật lòng thương yêu những người đã làm tôi bị tổn thương, tôi có thể tha thứ và chúc họ tốt lành, thì đó là khởi sự cho việc giải thoát khỏi xiềng xích, trói buộc ta vào kỷ niệm đớn đau.

Luân Xa
Thể trí và thể tình cảm, cũng như thể sinh lực, đều có luân xa (huyệt, trung tâm lực, chakra). Vật chất tình cảm trong suốt nên ta thấy được  mặt trước và mặt sau của luân xa cùng lúc, nó là một phần của hào quang qua đó, những năng lực từ nhiều cõi được biến cho đồng nhịp và phân phối đi khắp thể. Có nhu cầu ấy vì năng lực từ cõi trên có nhịp rung động cao, khi đi xuống phải được  hạ cho ứng với mức rung động cõi thấp, trước khi được sử dụng để không gây nguy hại.
Nói giản dị thì luân xa là cơ quan tâm thức và năng lực trong hào quang. Có bẩy trung tâm chính nằm ở đỉnh đầu (tượng trưng nơi tượng đức Phật bằng đỉnh đầu nhô cao, xoáy tóc khắp đầu, hàm ý luân xa đã khai mở trọn vẹn, linh hoạt xoay tít), giữa hai chân mày, cổ họng, tim, tùng thái dương (solar plexus - huyệt đan điền), lá lách và cuối xương sống. Chúng có nhiệm vụ nối liền giữa các tâm thức (tình cảm, trí tuệ, sinh lực v.v.) phân phối năng lực tùy việc như cảm xúc, suy tư, và phân phối giữa hào quang cá nhân với cõi bên ngoài. Thành ra có sự liên lạc nhiều mặt tâm thức giữa các luân xa. Ngoài ra còn những luân xa phụ nhỏ hơn, nằm ở lòng bàn tay và bàn chân, quan trọng cho sức khỏe và việc chữa bệnh.
Nói cho đúng thì mỗi tình cảm không phản ảnh trong luân xa, nó không dễ bị chi phối như vậy. Khi con người liên tục bị tình cảm mạnh mẽ rối loạn tấn công, luân xa có thể bị liên can đôi chút, nhưng hậu quả lớn lao nhất xẩy ra cho hào quang. Chỉ sự tích lũy tình cảm, nét cảm xúc chính trong đời mới biểu hiện trong luân xa.
Ở cõi tình cảm, mỗi luân xa có nhiệm vụ riêng mà cùng lúc là một phần trong hệ thống luân xa của thể. Chuyện cũng giống vậy cho thể sinh lực, nhưng bởi hai thể hòa hợp, thay đổi trong thể tình cảm sẽ tác động lên thể sinh lực và bằng cách ấy, có thể ảnh hưởng thể xác. Bởi thể tình cảm chính nó lại cũng thông thương và  tiếp nhận năng lực từ những thể cao hơn, năng lực qua nó đi vào thể sinh lực vì vậy đúng ra, bắt nguồn từ nơi sâu xa hơn là cõi tình cảm.
Sự tương tác giữa những luân xa rất phức tạp. Trong hệ thống luân xa có những nhóm có liên hệ mật thiết với nhau, thí dụ ba cái ở tùng thái dương, tim và giữa hai chân mày, hay ba cái ở tim, giữa hai chân mày và đỉnh đầu.
Khi ta cảm xúc mạnh mẽ, luân xa tim và đỉnh đầu phản ứng, nhưng hậu quả cảm nhận trước tiên ở tùng thái dương, nơi rất nhậy cảm với cảm xúc người khác. Từ chỗ này năng lực tình cảm bị xáo trộn có thể tác động trực tiếp lên cơ thể, nhất là bộ tiêu hóa. Thí dụ giận hờn, ganh tị bùng nổ dễ dàng, và làm tiêu hao nhiều năng lực hơn những tình cảm khác; kết quả là chúng có thể làm kiệt quệ lẹ làng năng lực của tùng thái dương, khiến ta rã rời, bải hoải hết hơi. Nhưng thường thì tình cảm như vậy tan biến khỏi thể khá mau. Lo rầu và u uất rã chậm và lằng nhằng dây dưa hơn, và có thể làm ta đuối sức hơn nữa, vì chúng rút tỉa năng lực của trọn hệ thống luân xa sau một thời gian dài. Sự căng thẳng gây ra sẽ phản ứng trên tuyến thượng thận, mà nếu để lâu không khỏi ảnh hưởng hệ miễn nhiễm của cơ thể.

Các Luân Xa Cao
Luân xa đỉnh đầu, cái cao nhất trong hệ thống, là cơ quan liên hệ đến mọi tâm thức, từ sự thay đổi nhỏ bé trong hoạt động não, tới kinh nghiệm tinh thần cao tột nhất. Vì vậy nó là luân xa chủ trì. Theo tôi, luân xa tim cũng quan trọng ngang hàng, vì cả hai làm việc chung để quản trị cái tinh túy nhất trong con người, là sự sống và tâm thức. Bởi thế, đó là hai luân xa có sức kháng cự mạnh nhất đối với các tổn hại. Dĩ nhiên ai có bệnh tim thì lộ ra bằng sức sáng của luân xa khi mờ khi tỏ, còn nơi người khỏe mạnh có thân tâm điều hòa thì nó sáng bình thường. Việc cho thấy lần nữa cái ảnh hưởng luân xa là tổng số tình cảm trong người.
Luân xa tim mở rộng, bung to với năng lực tuôn tràn khi ta cảm thấy thương yêu và có thiện cảm. Nó liên can đến mọi tình yêu cao thượng, không ích kỷ, nhưng nó cũng đáp ứng với tình cảm khác như buồn rầu, quan tâm đến người khác, u uất hay hỉ lạc. Lý do là dựa vào sự gần kề của hai nơi, năng lực bị xáo trộn ở tùng thái dương có thể di lên vào tim. Luân xa tim rất đỗi quan trọng về mặt sức khỏe, vì như đã nói, nó là nguồn của sự sống. Nó được nối vào hung tuyến thymus và qua đó, với hệ miễn nhiễm, nên ảnh hưởng trọn con người. Ở mức cao hơn, tim là trung tâm của năng lực tinh thần (liên hệ chặt chẽ với luân xa đỉnh đầu), với sự hòa hợp thân tâm, gồm sinh lực, tình cảm, trí tuệ và tinh thần.
Ba luân xa cao ở đỉnh đầu, giữa hai chân mày và tim, có liên hệ đến mọi nỗ lực sáng tạo, biểu lộ con người, còn luân xa cổ họng và tùng thái dương thì đặc biệt can dự vào tương tác với người, cố gắng vươn ra tiếp xúc với kẻ khác. Thành ra nó chiếm ưu thế trong nhà giáo, nhạc sĩ và nghệ sĩ trình diễn ở mọi ngành.
Tính sáng tạo của luân xa giữa hai chân mày, không nhất thiết giới hạn vào việc tạo nên danh phẩm tuyệt thế, về nghệ thuật hay khoa học. Đúng hơn, nó là sức sáng tạo biểu lộ qua lối suy nghĩ mới, ứng dụng thực tiễn trí tưởng tượng, óc khôn khéo phá vỡ khuôn mẫu và tìm ra cách làm việc mới mẻ tốt đẹp hơn. Óc sáng tạo như vậy có thể biểu hiện trong bất cừ ngành nào, thương mại, kỹ nghệ, chính trị, giáo dục, nghệ thuật, khoa học và kỹ thuật. Khả năng thuyết phục được người khác, do luân xa có thể nở rộng mau lẹ, được  tăng cường khi có sự đồng nhịp giữa luân xa giữa hai chân mày và tùng thái dương. Nó làm ta rải được ảnh hưởng mình một khoảng xa.
Trong tất cả những tương tác này có ẩn sự hồi ứng reciprocity. Hoạt động của luân xa làm việc biểu lộ cái ngã một cách sáng tạo được dễ và tự nhiên hơn, rồi làm vậy sẽ kích thích luân xa. Chẳng hạn cái trên đỉnh đầu liên hệ chính yếu tới tâm thức, nở lớn khi tham thiền và hóa sáng chói. Cái giữa hai chân mày cũng bị ảnh hưởng, nhất là loại tham thiền quán tưởng, hay những cách khác nhấn mạnh đến việc tập trung tư tưởng. Cho nên tham thiền kích thích ba luân xa cao, rồi sinh hoạt được khích động của chúng truyền năng lực và làm điều hòa các thể, luôn cả thể xác.
Khiếu thẩm mỹ tức sự đáp ứng với vẻ mỹ lệ hoặc trong nhiên thiên hay nghệ thuật, cũng làm mở rộng tâm thức và khiến ta cố tâm vươn ra ngoài đến cái ta đang kinh nghiệm. Trong trường hợp đó cả luân xa giữa hai chân mày và tim đều linh hoạt, vì cái trước liên hệ đền nhận thức, và cái sau do bản chất mở rộng, sẽ hợp nhất ta với những khía cạnh khác của sự sống.
Nhiều người đã hỏi là việc chữa bệnh và những tập luyện khác, có trực tiếp ảnh hưởng lên từng luân xa chăng. Ta đã biết là thiền cho ảnh hưởng đó, nhưng ấy là vì việc thực tập hòa hợp với chức năng của luân xa. Cái quan trọng cần nhớ là không những luân xa có chức năng riêng, mà còn có đường lối riêng của từng cái. Giống như mọi chuyện thuộc cõi tình cảm, những luân xa này có thể bị bệnh tật làm thay đổi, hay thay đổi do cái ta nghĩ và cảm xúc trong một thời gian dài. Nhưng nếu muốn trực tiếp ảnh hưởng luân xa, ta phải làm theo đường lối của nó và chuyện ấy không dễ. Điều không may là có người tin, là có thể kích thích luân xa mau lẹ bằng phương pháp giản dị, trong khi trên thực tế chuyện khó làm, và đòi hỏi nỗ lực kiên trì, dài lâu.

Kundalini Luồng Hỏa Xà
Đó là năng lực liên quan đến tâm thức cao. Nơi đa số người, kundalini còn chưa được  khơi động, và tốt hơn nên để nó nằm trong tình trạng đó cho tới khi con người, do việc uốn mình vào kỷ luật được thành công, thoát khỏi ham muốn ích kỷ.

Hòa Hợp Cái Ngã
Tôi đã, bằng nhiều cách, cố gắng diễn đạt mối tương giao mật thiết ,giữa những trạng thái tâm thức khác nhau. Ngay cả khi mô tả thể tình cảm như là một thể riêng biệt. ta phải luôn nhớ rằng không sao tách được tình cảm với tư tưởng tương ứng, hay suy nghĩ mà không có tình cảm đi kèm. Việc tương tác chặt chẽ giữa trí và tình dựa trên nguyên tắc cộng hưởng, là chuyện bình thường và tự nhiên.
Nhưng có nhiều người có trí và tình không hòa hợp tốt đẹp, sự lỗi nhịp đó gây ra việc mất hoạt động, hoặc làm mà sai lạc đi. Có người sống đời quá thiên về trí não và sợ hãi cảm xúc, cho rằng chỉ bằng cách theo đuổi hoạt động trí thức mới tránh được  đòi hỏi của ai khác. Ai như vậy thường bị khiếm khuyết về mặt tình cảm.
Hào quang co dãn tùy theo tâm trạng, sự tương tác và thấu nhập vào luân xa người khác, nhưng luôn luôn nó giữ được  bản sắc mình. Bản sắc ấy giữ được không phải chỉ nhờ năng lực tình cảm, mà đúng hơn nhờ sự tương giao với thể xác, sinh lực và những thể cao. Thể sinh lực tạo ra khuôn cho thể xác, nó chứa đựng tính di truyền. Nhưng tình cảm cũng cho tác động mạnh mẽ lên thể xác, vì nó có thể đè nén hay khích động. Tóm tắt lại, sự tương giao giữa các tâm thức làm ta thành người cá biệt, khác lẫn nhau.
Lại nữa ai ai cũng bị ảnh hưởng do biến cố nơi cõi trần, cái không ngừng tác động lên con người và ta đáp ứng bằng nhiều cách. Thế nên sinh ra với khả năng tập trung tư tưởng mạnh mẽ hay trí tưởng tượng phong phú, óc sáng tạo dồi dào không chưa đủ, muốn chúng có kết quả thì ta phải sử dụng chúng. Bằng cách đó, kinh nghiệm của ta ở cõi trần biến đổi ta hẳn, làm ta dễ yêu hay giận dữ, có óc sáng tạo hay thành bất đắc chí. Karma mang ta trở lại với một số tiềm năng và đặt để ta vào vị trí nào đó. Nhưng ta có tự do dùng chúng theo ý mình.
Nơi người hòa hợp, có sự cân đối giữa phần trên và phần dưới của hào quang, mầu nào thấy bên trên được phản ảnh bên dưới. Nó cho thấy con người dùng tài nguyên tình cảm trọn vẹn. Mức độ phản ảnh được mấy phần tùy thuộc vào khả năng biểu lộ những tính chất này trong đời, sống theo chúng.
Trong trường hợp đó, tất cả mầu lan ra tới bìa luân xa, vì tình cảm được  tự do thể hiện. Cái quan trọng hơn nữa là mầu sắc sẽ tụ vào tim, nơi không phải là trung tâm ý thức theo nghĩa nơi trụ của tư tưởng, mà là tụ điểm của việc hòa hợp cái ngã. Chính tại nơi này mà mọi năng lực tụ về, con người được hòa nhịp với toàn khối vũ trụ. Tất cả những người tiến hóa xa, hướng về tinh thần mà tôi đã gặp đều tụ vào quả tim, có ý thức về tính duy nhất hay tinh thần của vạn vật.

Thông Cảm
Mỗi người đều có thể  tình cảm riêng biệt, nhưng điều quan trọng cần ý thức là tuy tình cảm của ta rất đỗi riêng tư với mình, lại được  mọi sinh linh chia sẻ. Những cảm xúc ấy là một phần tự nhiên hay là tính chất của cuộc sống, không ai trong chúng ta hoàn toàn bị cô lập trừ phi ta cố tình làm vậy, mỗi người đều có thể tiếp xúc được với người khác qua cảm xúc của mình, ngay cả khi lời nói hóa bất lực trong việc liên lạc với nhau. Việc chia sẻ ấy có được vì thể tình cảm của mỗi chúng ta cộng hưởng, giao hòa với thể người khác. Mọi người, mọi vật đều dự phần vào bầu tình cảm chung.
Làm cách nào mà cảm xúc ta kinh nghiệm là hết sức riêng tư đối với ta, lại tương tác với bầu tình cảm rộng lớn đó ? Ta quá quen thuộc với tình cảm của mình, nên thấy khó mà tin rằng chẳng những chúng ảnh hưởng lên đời người ở gần ta, mà còn làm thay đổi bầu tình cảm chung một cách tinh tế. Nhưng nếu nhìn lại mối tương giao giữa cá nhân với nhau, trong gia đình, xã hội, ta sẽ thấy cách ảnh hưởng đó nẩy nở. Đáp ứng của ta với người vừa gặp đã mến hay không thích, thường là kết quả của mối tương giao trong bầu tình cảm chung.
Hào quang của mỗi người chứa đựng nhiều nét tình cảm mà cảm xúc của ta cộng hưởng theo. Vì thể tình cảm là hệ thống hở, nó luôn luôn có thể tương tác với thể của những người chung quanh ta. Ai nhậy cảm sẽ tiếp thu một phần năng lực của tình cảm người khác đang xúc động, thành ra có sự trao đổi cảm xúc mà không cần lời nào thốt ra. Có khi ta cảm được xúc động của người khác, nhưng lại không thể giải thích nó rõ ràng, và có thể hiểu lầm nguyên do gây ra chúng. Chẳng hạn ta gặp người đang bực vì điều không chút liên can gì đến ta, nhưng ta cảm được nỗi bực bội đó. Con người thường bị tổn thương hay nổi giận vì điều hiểu lầm như vây. Nếu điều này trở thành tình trạng kéo dài, nó có thể sinh ra kết quả là lòng sợ hãi tương tác với người khác
Tôi có nói là sự tương tác giữa các thể dựa trên nguyên tắc cộng hưởng mà tôi không hiểu, tuy tôi quan sát thấy chuyện xẩy ra. Nói về tình cảm, ai có khuynh hướng về một loại tình cảm nào sẽ cộng hưởng khi có nó. Thí dụ khi một người bị tình cảm  mạnh mẽ khơi động như sự phẫn nộ, năng lực này tuôn vào bầu tình cảm tăng cường sự giận dữ đã có sẵn ở đó. Kết quả là nơi ai khác dễ nổi dóa, khuynh hướng này hóa trầm trọng hơn. Chiến tranh, thiên tai sinh ra lo lắng tràn lan, cảm xúc này như cháy rừng khắp thế giới, ảnh hưởng càng ngày càng nhiều người và họ lại làm mạnh thêm việc lây nhiễm. Khi ta bị cuốn theo nỗi sợ hãi bất ngờ hay cơn thịnh nộ, ta trở nên dễ bị thâm nhập bởi sự tăng gia trầm trọng của bầu tình cảm, rồi cơn bão xúc động có thể gây kinh hoàng hay chuỗi bạo hành, như vụ Rodney King gần đây tại Los Angeles.
Nhưng ta không nhất thiết phải bị cuốn trôi theo những tình cảm tiêu cực. Ta vẫn có thể giữ được sự bình tâm ngay cả khi bị bạo hành vây quanh, và lòng an nhiên ấy có thể hạ cơn giận xuống, làm nó tiêu tán đi. Ngay cả khi ta đối mặt với sự giận dữ, ta không bắt buộc phải cộng hưởng với nó. Cách trị nằm ở việc phát ra tình cảm tích cực, vì chúng uy dũng nhiều lần hơn tình cảm tiêu cực, và giúp ta mạnh mẽ hơn trong việc trục xuất cái sau. Làm được vậy là ta đóng góp vào hòa bình cho thế giới, vì ta ảnh hưởng và làm thay đổi bầu tình cảm chung, thay vì chỉ phản ứng với nó.

Bài trích từ quyển The Personal Aura, tác giả Dora van Gelder Kunz

Xem bài có liên quan:

CƠ CẤU THỂ TÌNH CẢM (PST40) &  MẦU CỦA TÌNH THƯƠNG (PST79)